Trong quá trình chung sống của vợ chồng sẽ không ít xảy ra các vấn đề gây tranh cãi, mâu thuẫn và sự mẫu thuẫn đó kéo dài làm cho vợ chồng ngày càng xa cách và không có tiếng nói chung dẫn đến ly hôn. Và khi ly hôn trong tình trạng người vợ đang mang thai, ngoài những cảm xúc đau buồn và căng thẳng, cả hai bên còn phải đối diện với các thủ tục pháp lý phức tạp hơn bình thường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thủ tục ly hôn khi vợ mang thai cùng với những vấn đề cần lưu ý.
1. Quy định pháp luật về ly hôn khi vợ mang thai
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 51 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: Trong trường hợp vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
Quy định này nhằm bảo vệ sự an toàn tâm lý, thể chất của người mẹ trong thời gian đặc biệt này, cũng như đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho đứa trẻ chưa sinh hoặc còn nhỏ. Tuy nhiên, người vợ vẫn có quyền nộp đơn xin ly hôn ngay cả khi đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quyền này giúp người vợ bảo vệ bản thân trước những hoàn cảnh không thuận lợi trong hôn nhân, đặc biệt là khi hôn nhân trở nên bế tắc và không thể cứu vãn.

Ví dụ: Chị Y và anh K kết hôn được 2 năm, chị Y đang mang thai con đầu lòng được 6 tháng tuổi. Vì mang thai đầu lòng nên chị Y gặp rất nhiều khó khăn, chị luôn muốn chồng quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho mình nhưng chồng lại thờ ơ, vô tâm khiến Y tủi thân và khó chịu trong thời gian dài. Anh K cho rằng chị Y không hiểu chuyện cùng với những áp lực trong công việc làm cho K ngày càng chán ghét vợ mình và cảm thấy không thể chung sống với Y nữa nên đã đề nghị ly hôn. Trong trường hợp này, anh K sẽ không được ly hôn với chị Y vì theo quy định của pháp luật chồng sẽ không được ly hôn khi vợ đang mang thai dưới 12 tháng tuổi.
2. Căn cứ để Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn
Theo Điều 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu ly hôn trong các trường hợp sau:
i. Hôn nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng như mối quan hệ vợ chồng có những xung đột lớn, bạo lực gia đình, ngoại tình, thờ ơ không chăm sóc cho gia đình…
ii. Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng: Một bên cố tình không thực hiện các quyền và nghĩa vụ chung sống, yêu thương, tôn trọng, chăm sóc lẫn nhau và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
iii. Không thể tiếp tục sống chung: Tòa án có thể chấp nhận ly hôn nếu xét thấy việc tiếp tục sống chung của vợ chồng không thể kéo dài và sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tinh thần của các bên liên quan, bao gồm cả con cái.
iv. Vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích: Trường hợp một bên bị mất tích mà không có tin tức trong một khoảng thời gian dài, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người đó mất tích và sau đó sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn của người còn lại.
v. Cha, mẹ hoặc người thân thích khác yêu cầu giải quyết ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu xét thấy có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và tinh thần cho bên còn lại.
3. Chia tài sản khi ly hôn
Việc chia tài sản sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Nếu hai bên thỏa thuận được việc phân chia tài sản thì tòa án sẽ công nhận thỏa thuận đó.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tòa án sẽ giải quyết theo hướng chia đôi nhưng xem xét và cân nhắc đến yếu tố như công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình, lỗi của các bên trong việc dẫn đến ly hôn, và bảo vệ quyền lợi của con cái.
Tài sản riêng của người nào thì thuộc sở hữu của người đó.

4. Quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn
i. Xác định cha mẹ cho con
Căn cứ tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ:
- Con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 kể từ ngày vợ chồng chấm dứt hôn nhân sẽ được xem là con chung trong thời kỳ hôn nhân.
- Trường hợp con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận thì được xem là con chung của vợ chồng.
ii. Quyền nuôi con
Về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi nếu không có thỏa thuận khác. Căn cứ theo khoản 3 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
Người mẹ sẽ trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con, đảm bảo con được sống trong một môi trường tốt nhất.
iii. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Căn cứ tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa thành niê, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Ví dụ: Anh D và chị E kết hôn và chị E hiện đang mang thai 6 tháng. Tuy nhiên, mối quan hệ của hai vợ chồng trở nên căng thẳng và họ quyết định ly hôn. Chị E yêu cầu được ly hôn do không thể tiếp tục cuộc sống chung với anh D.
Trong quá trình giải quyết ly hôn, Tòa án xem xét quyền nuôi con đối với đứa trẻ sắp sinh. Trong trường hợp này Tòa án quyết định giao quyền nuôi dưỡng cho chị E đối với đứa trẻ sau khi sinh.
Anh D sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom con sau khi đứa trẻ chào đời. Anh D phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho đến khi con trưởng thành (18 tuổi hoặc cho đến khi con có thể tự lập). Mức cấp dưỡng sẽ được xác định dựa trên khả năng tài chính của anh D và nhu cầu nuôi dưỡng của đứa trẻ.
5. Thủ tục và hồ sơ cần thiết khi ly hôn
i. Đơn ly hôn: Viết theo mẫu của Tòa án và nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện/quận nơi cư trú của hai vợ chồng.
ii. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
iii. CMND/CCCD và hộ khẩu (bản sao công chứng, chứng thực);
iv. Giấy khai sinh của con (bản sao, nếu có);
v. Các giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có).
Qua bài viết trên, có thể thấy việc ly hôn trong giai đoạn người vợ đang mang thai sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và tương lai của cả mẹ và con. Cần cân nhắc, đảm bảo được quyền lợi, lợi ích tốt nhất cho mẹ và con, đảm bảo được con sinh ra sẽ sống trong một một trường tốt nhất.