Thoả thuận về tài sản trước khi kết hôn của vợ chồng

1. Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn

Căn cứ tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thỏa thuận xác lập tài sản của vợ chồng: Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Như vậy, việc thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng phải lập trước hôn nhân và bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

2. Nội dung thỏa thuận chế độ tài sản

– Căn cứ tại Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

i. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a. Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b. Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c. Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d. Nội dung khác có liên quan.

ii. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

– Bên cạnh đó, tại Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn xác định tài sản vợ chồng theo thỏa thuận như sau:

i. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a. Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b. Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c. Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được

tài sản đó;

d. Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

ii. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ví dụ: Anh Q và chị H trước khi đăng ký kết hôn đã thỏa thuận chế độ tài sản của hai vợ chồng như sau: mỗi tháng mỗi người sẽ trích tiền lương của mình 10 triệu đồng làm tài sản chung của vợ chồng để chi tiêu các khoảng tiêu dùng cần thiết; phần hoa lợi, lợi tức có được từ việc cho thuê xe oto là tài sản chung của vợ chồng; các khoản tiền còn lại sẽ là tài sản riêng. Thỏa thuận này đã được lập thành văn bản và công chứng.

– Lưu ý: Những tài sản sẽ đương nhiên được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng nếu trong thỏa thuận tài sản vợ, chồng không đề cập đến bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; các khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng nhận được theo quy định của pháp luật; quyền tài sản gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

– Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung.

– Với những nội dung chưa được ghi nhận hoặc chưa quy định rõ ràng trong thỏa thuận về tài sản của vợ chồng thì sẽ được giải quyết theo nguyên tắc chung và chế độ tài sản theo luật.

– Nội dung thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng có thể được sửa đổi, bổ sung.

3. Sửa đổi, bổ sung thỏa thuận tài sản vợ chồng trước hôn nhân

– Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP:

i. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

ii. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

– Việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận tài sản vợ chồng cần phải lập thành văn bản mới và công chứng, chứng thực.

– Việc sửa đổi, bổ sung nội dung thảo thuận sẽ không làm chấm dứt hoàn toàn chế độ tài sản

 mà chỉ làm thay đổi một số nội dung thỏa thuận trước đó. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung có liên quan đến người thứ ba thì cần phải thông báo cho người thứ ba biết. Trường hợp vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ thông báo này thì quyền lợi của người thứ ba vẫn được pháp luật bảo vệ theo quy định.

– Việc sửa đổi, bổ sung nội dung không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng đối với bên thứ ba có liên quan mà chỉ làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận trước đó.

4. Hậu quả của việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận tài sản vợ chồng trước hôn nhân

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 126/2014/NĐ-CP:

i. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

ii. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nguồn: Luật Bách Khoa

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:

Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 08.9999.8608

Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474

Zalo: zalo.me/84899998608

Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn

Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com

Kiến thức liên quan