Trong hôn nhân, tài sản chung của vợ chồng là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa hai người trong cuộc sống gia đình. Theo quy định của pháp luật, việc quản lý và định đoạt tài sản chung không chỉ liên quan đến quyền lợi của cả hai bên mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của gia đình. Đặc biệt, có những trường hợp pháp luật yêu cầu việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cả hai vợ chồng, nhằm bảo đảm tính minh bạch, tránh tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mỗi người.
Tài sản chung của vợ chồng theo quy định pháp luật

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh: Tất cả những thu nhập, lợi nhuận mà vợ chồng cùng nhau tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều được coi là tài sản chung, bất kể tài sản đó đứng tên ai.
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng: Nếu một bên vợ hoặc chồng có tài sản riêng, thì những lợi ích phát sinh từ tài sản đó trong thời kỳ hôn nhân cũng được xem là tài sản chung.
- Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung: Vợ chồng có thể thỏa thuận chuyển đổi tài sản riêng thành tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản được sở hữu chung: Tài sản mà cả hai vợ chồng cùng đầu tư, mua sắm, hay được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân cũng được xem là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp được tặng cho riêng, thừa kế riêng hay có được thông qua các giao dịch bằng tài sản riêng.
Nếu không có chứng cứ chứng minh đó là tài sản riêng của mình, thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dung để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Tức là cả hai vợ chồng đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Tuy nhiên, để bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong việc quản lý, sử dụng tài sản chung, pháp luật yêu cầu một số trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cả vợ và chồng khi định đoạt.
Tài sản chung nào khi định đoạt phải có thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau:
- Bất động sản;
Ví dụ: Anh A và chị Y đã kết hôn vào năm 2020, anh chị cùng nhau dùng khoảng tiền tiết kiệm được sau khi kết hôn để mua một căn nhà và cả hai đều đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau một thời gian, anh A quyết định bán căn nhà này để đầu tư vào một dự án khác. Tuy nhiên, theo quy định nêu trên, căn nhà mà anh A bán là tài sản chung của cả hai vợ chồng, do đó anh A không thể tự ý bán căn nhà mà không có sự đồng ý bằng văn bản của chị B. Nếu chỉ có anh A ký hợp đồng bán nhà mà không có chữ ký của chị B trong văn bản thỏa thuận, giao dịch bán nhà sẽ bị coi là vô hiệu theo pháp luật.
- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình
Ví dụ: Anh T và chị H kết hôn vào năm 2017, sau 4 năm anh chị đã tiết kiệm một khoảng tiền để mở một của hàng tạp hóa và anh chị cùng sở hữu cửa hàng tạp hóa. Cửa hàng này đã hoạt động được hơn 3 năm và là nguồn thu nhập chính của gia đình, chiếm phần lớn tài chính cho cuộc sống của cả nhà. Sau một thời gian, anh T muốn chuyển nhượng cửa hàng cho một người khác để lấy tiền đầu tư vào một lĩnh vực khác. Vì cửa hàng này là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình, việc chuyển nhượng tài sản cần có văn bản thỏa thuận của cả vợ chồng. Nếu anh T tự ý chuyển nhượng cửa hàng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của chị H, thì giao dịch có thể bị coi là vô hiệu.
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Căn cứ tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập mà theo quy định của pháp luật vợ, chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh của vợ, chồng từ việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc vợ, chồng sử dụng tài sản riêng để duy trì và phát triển khối tàu sản chung hoặc tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà cha mẹ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Việc yêu cầu thỏa thuận bằng văn bản trong các trường hợp trên có ý nghĩa gì?
i. Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả hai vợ chồng: Mọi quyết định liên quan đến tài sản chung đều phải có sự đồng ý của cả hai, tránh trường hợp một bên lạm quyền.
ii. Tránh tranh chấp pháp lý: Khi có tranh chấp xảy ra, văn bản thỏa thuận là bằng chứng quan trọng để xác định quyền lợi của mỗi bên.
iii. Tăng tính minh bạch: Thỏa thuận bằng văn bản giúp các bên hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong các giao dịch tài sản.
Như vậy, việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề quan trọng và cần sự đồng thuận của cả hai bên, đặc biệt là tài sản chung có giá trị lớn, liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản bất động sản, hoặc các tài sản yêu cầu đăng ký quyền sở hữu (như xe cộ, đất đai, nhà ở) đều phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cả hai vợ chồng khi tiến hành giao dịch hay định đoạt. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi bình đẳng của cả hai bên, đảm bảo rằng mọi quyết định liên quan đến tài sản chung được thực hiện minh bạch và đồng thuận.
Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:
Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 08.9999.8608
Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474
Zalo: zalo.me/84899998608
Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn
Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com
Nguồn: Luật Bách Khoa