Quy định pháp luật về quyền khởi kiện vụ án hành chính

Khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, quyền tự do, dân chủ luôn đặt ra những thách thức đối với những nhà làm luật. Một trong những tranh chấp không còn xa lạ hiện nay là tranh chấp trong lĩnh vực hành chính. Những phát sinh từ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực thi quyền hành pháp. Để giải quyết hiệu quả các tranh chấp này, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã thiết lập, duy trì và từng bước hoàn thiện nhiều phương thức nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn quyền khiếu kiện hành chính của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Một trong số phương thức để người dân bảo vệ quyền lợi của mình là khởi kiện hành chính. Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, cá nhân, tổ chức phải tuân thủ những điều kiện nhất định.

1. Quyền khởi kiện vụ án hành chính.

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện VAHC để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

a.  Đối tượng của quyền khởi kiện Vụ án hành chính: 

    Đối tượng của quyền khởi kiện Vụ án hành chính là Quyết định hành chính, Hành vi hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri.

b.  Điều kiện phát sinh quyền khởi kiện Vụ án hành chính

    Điều kiện phát sinh quyền khởi kiện Vụ án hành chính của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các đối tượng khác nhau là khác nhau.

  • Đối với Quyết định hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, hành vi hành chính thì quyền khởi kiện phát sinh khi cá nhân, cơ quan, tổ chức không đồng ý với các Quyết định/Hành vi này hoặc phát sinh khi cá nhân, cơ quan, tổ chức không đồng ý và đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết quyết mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại đó.
  • Đối với Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, quyền khởi kiện phát sinh khi cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định đó.
  • Đối với danh sách cử tri, quyền khởi kiện sẽ phát sinh khi cá nhân đã khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết mà không đồng ý với kết quả giải quyết đó.

    Như vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức khi không đồng ý với Quyết định hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, hành vi hành chính thì đã có quyền khởi kiện Vụ án hành chính ngay mà không cần phải trải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Quy định này đã phá bỏ rào cản đối với cá nhân, tổ chức, tạo cho họ sự thông thoáng hơn khi lựa chọn phương thức bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước sự tác động, xâm phạm của các chủ thể công quyền.

2. Chủ thể khởi kiện vụ án hành chính

    Theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành, người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân. Việc xác định cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện theo nguyên tắc xem xét cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện hay không.

    Như vậy, cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính là những cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh, danh sách bầu cử Đại biểu quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp, quyết định kỉ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên, để quyền khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, tổ chức được hiện thực hóa thì quyền khởi kiện phải được thực hiện bởi những chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính. Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng bằng chính hành vi của mình cá nhân thực hiện quyền và các nghĩa vụ hành chính được pháp luật hành chính thừa nhận. Như vậy, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ có thể được thực hiện bởi người có quyền khởi kiện vụ án hành chính hoặc người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính với điều kiện người đó đảm bảo năng lực hành vi tố tụng hành chính. Người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: người đại diện theo ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người không có năng lực hành vi dân sự, người đứng đầu của người khởi kiện là cơ quan, đơn vị, tổ chức.

3. Thời điểm phát sinh quyền khởi kiện Vụ án hành chính.

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính khi:

– Khởi kiện ngay sau khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến quyền và lợi ích của mình, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

– Khởi kiện sau khi đã khiếu nại lần 01 với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết.

– Khởi kiện sau khi đã khiếu nại lần 02 người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

4. Thẩm quyền giải quyết Vụ án hành chính

 Thẩm quyền của Tòa án các cấp trong Tố tụng hành chính:

    Quyết định hành chính, hành vi hành vi của Chủ Tịch ủy ban nhân dân và ủy ban nhân dân cấp huyện thì kiện ở tòa án nhân dân  cấp tỉnh. Ngoài ra, các quyết định  hành chính, hành vi hành chính trong  cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống thì là tòa án nhân dân cấp huyện.

    Quyết định  hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh, trung ương thì do tòa án nhân dân cấp tỉnh.

5. Thời hiệu khởi kiện Vụ án hành chính

    Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

+ 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

+ 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;

+ Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

– Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

+ 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

+ 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

    Ngoài ra, thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Kiến thức liên quan