Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân, sau khi ly hôn ai có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ?

Trong quá trình hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng phát sinh các khoản nợ nhằm phục vụ cho các nhu cầu chung của gia đình như sinh hoạt, mua sắm tài sản, hoặc đầu tư kinh doanh. Khi hôn nhân tan vỡ, câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm trả các khoản nợ này trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết.

Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân là gì?

Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân là các khoản nợ phát sinh trong quá trình hôn nhân, mà cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ thanh toán, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình hoặc phục vụ cho lợi ích chung của vợ chồng và con cái. Những khoản nợ này có thể đến từ nhiều nguồn như:

  • Nợ phát sinh từ nhu cầu chung của gia đình

Ví dụ: Vợ chồng cùng vay tiền mua nhà hoặc xe để sử dụng chung trong gia đình.

  • Nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh chung

Ví dụ: Vợ chồng cùng mở một doanh nghiệp và vay vốn ngân hàng để kinh doanh.

  • Nợ do một bên vay nhưng phục vụ lợi ích chung.

Ví dụ: Vợ hoặc chồng đi vay tiền để chữa bệnh cho con cái hoặc để chi tiêu sinh hoạt chung mà có sự đồng thuận của bên còn lại.

Cách xác định nợ chung, nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân

i. Nợ chung

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình, có thể hiểu nợ chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

  • Vợ chồng cùng chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
  • Các khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu cho gia đình như chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày, học tập, khám bệnh, mua sắm tài sản phục vụ cuộc sống chung hoặc phục vụ cho con cái…
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung của vợ chồng;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc dử dụng tài sản riêng để duy trì và phát triển khối tài sản chung hoặc tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  • Nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại mà cha mẹ phải bồi thường do con gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự;
  • Các nghĩa vụ khác.

Ví dụ: Gia đình anh A và chị B sống trong một ngôi nhà nhỏ ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ. Sau một trận bão lớn, ngôi nhà của họ bị hư hại nặng nề: mái nhà bị tốc, tường nhà bị nứt và hệ thống điện nước trong nhà cũng bị hỏng. Do thiệt hại quá lớn và không đủ tiền tiết kiệm để sửa chữa, anh A quyết định vay ngân hàng một khoản tiền để tiến hành sửa chữa ngôi nhà, đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Số tiền anh A vay ngân hàng: 300 triệu đồng, để sữa chữa lại hệ thống điện nước, xây lại tường, lợp lại mái và mua sắm một số vật dụng gia đình bị hư hỏng do bão. Với khoản vay trên, mặc dù chỉ anh A đứng tên vay, nhưng vì mục đích của nó là phục vụ cho cuộc sống chung của gia đình (sửa nhà sau thiên tai), nên được coi là nợ chung trong thời kỳ hôn nhân.

ii. Nợ riêng

Dựa vào các căn cứ nêu trên, có thể xác định nợ riêng là:

  • Các khoản nợ phát sinh trước thời kỳ hôn nhân;
  • Khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản và duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng hoặc từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  • Khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Ví dụ: Chị T sử dụng tiền tiết kiệm cá nhân để đầu tư vào chứng khoán mà không thông báo cho anh M. Sau đó, do thị trường chứng khoán biến động xấu, chị T lỗ và phải vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng để bù đắp khoản lỗ. Khoản nợ này chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân của chị T và không được sử dụng cho các nhu cầu chung của gia đình, vì vậy đây là nợ riêng của chị T. Nếu ly hôn, thì anh M không có trách nhiệm phải trả khoản nợ của chị T.

Trách nhiệm trả nợ chung của vợ chồng

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng như sau

  • Vợ, chồng cùng chịu trách nhiệm liên đới đối với các giao dịch mà do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc các giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện được pháp luật quy định.
  • Vợ, chồng chiu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ được quy định tại Điều 37 nêu trên.

Như vậy, trường hợp có thể chứng minh được số tiền được dùng xuất phát từ các khoản nợ chung của vợ, chồng thì cả hai sẽ có nghĩa vụ cùng nhau thực hiện việc chi trả các khoản nợ đó.

Ví dụ: Anh H và chị U kết hôn và sống cùng nhau trong một căn nhà, đây là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Do nhà bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, anh H quyết định vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để sửa chữa lại toàn bộ nhà cửa. Số tiền này được dùng để sửa chữa mái nhà, làm lại hệ thống điện nước, và nâng cấp một số khu vực trong nhà nhằm cải thiện cuộc sống của cả gia đình. Anh H là người đứng tên vay tại ngân hàng với lãi suất là 7%/năm trong vòng 10 năm.

Vì khoản vay này nhằm mục đích sửa chữa, cải thiện ngôi nhà chung của cả gia đình nên cả anh H và chị U đều có trách nhiệm liên đới trong việc trả nợ với ngân hàng, mặc dù chỉ có anh H đứng tên vay. Khi vẫn còn hôn nhân, cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau sử dụng thu nhập của mình để trả khoản vay này, vì lợi ích từ khoản vay đó được chia sẻ cho cả hai người. Cả anh H và chị U đều có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Nếu anh H và chị U ly hôn trước khi khoản vay được trả hết, khoản nợ này vẫn được coi là nợ chung vì nó phát sinh từ nhu cầu chung của gia đình. Cả hai sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm trả nợ theo quyết định của tòa án.

Dù vợ chồng ly hôn, ngân hàng vẫn có quyền yêu cầu anh H và chị U cùng có nghĩa vụ trả nợ cho đến khi khoản vay được hoàn thành. Điều này có nghĩa là nếu anh H không có khả năng trả nợ hoặc cố tình không trả, ngân hàng vẫn có thể yêu cầu chị U chịu trách nhiệm liên đới đối với khoản vay.

Vợ chồng có phải cùng nhau trả nợ chung sau khi ly hôn?

Khi ly hôn, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia một cách công bằng giữa hai bên. Theo quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, có hai cách để xác định trách nhiệm trả nợ chung sau ly hôn:

  • Dựa trên thỏa thuận của hai bên: Nếu hai bên có thể đạt được thỏa thuận về việc phân chia nợ chung, thì việc ai sẽ chịu trách nhiệm trả các khoản nợ nào sẽ do thỏa thuận này quyết định. Thỏa thuận phải được lập thành văn bản và được tòa án công nhận.
  • Dựa trên phán quyết của tòa án: Nếu không có thỏa thuận, tòa án sẽ xác định trách nhiệm trả nợ dựa trên các yếu tố như mức độ hưởng lợi từ khoản nợ, tình hình tài chính của từng bên, và tỷ lệ chia tài sản chung. Các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân mà phục vụ cho lợi ích chung của gia đình sẽ được chia đôi hoặc phân chia hợp lý theo quyết định của tòa.

Như vậy, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Sau khi ly hôn, việc phân chia trách nhiệm trả nợ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên hoặc phán quyết của tòa án. Để tránh những tranh chấp không cần thiết, cả hai nên có sự thống nhất rõ ràng về các khoản nợ và trách nhiệm của mỗi người ngay từ khi quyết định ly hôn.

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:

Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 08.9999.8608

Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474

Zalo: zalo.me/84899998608

Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn

Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com

Nguồn: Luật Bách Khoa

Kiến thức liên quan