Sau khi ly hôn, quyền nuôi con là một trong những vấn đề quan trọng và lo lắng nhất của vợ, chồng. Quyết định về quyền nuôi con thường được tòa án phân xử dựa trên nhiều yếu tố như lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ, điều kiện kinh tế, môi trường sống của cha hoặc mẹ. Tuy nhiên, có những trường hợp sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không hài lòng với phán quyết ban đầu và muốn giành lại quyền nuôi con.
1. Các quy định pháp lý về quyền nuôi con sau ly hôn

Căn cứ tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
- Sau khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định căn cứ dựa vào quyền lợi của con, và nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên, tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con.
- Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thường được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
2. Thay đổi người trực tiếp nuôi con

Căn cứ tại khoản 1 và khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con:
- Cha đẻ, mẹ đẻ là người trực tiếp nuôi con hoặc không trực tiếp nuôi con theo quyết định của Tòa án.
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Ví dụ: Chị L và anh P ly hôn khi con trai của họ là H mới 4 tuổi. Theo quyết định của tòa án, chị L là người trực tiếp nuôi dưỡng bé H, còn anh P sẽ cấp dưỡng hàng tháng và thăm nom con. Tuy nhiên sau một thời gian, chị L gặp phải vấn đề tài chính nghiêm trọng, mất việc và không thể chăm sóc, đảm bảo được H có được môi trường sống tốt nhất. Ngoài ra, môi trường sống của chị L cũng không ổn định, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và học tập của bé.
Nhận thấy tình hình của chị L, anh P đã quyết định yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con. Anh P đã nộp đơn lên tòa án, kèm theo đó là các bằng chứng chứng minh rằng tình hình hiện tại của chị L không còn phù hợp để nuôi dưỡng con, và cho rằng anh có khả năng cung cấp một môi trường sống tốt hơn cho con. Anh P cung cấp báo cáo tài chính của mình, chứng minh rằng mình có thu nhập ổn định, đảm bảo được cho H một môi trường sống an toàn và phù hợp cho sự phát triển của con. Tòa án quyết định chuyển quyền nuôi dưỡng bé H cho anh P. Tòa án nhận định rằng hoàn cảnh hiện tại của anh P phù hợp hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho đứa trẻ.
3. Căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con
Căn cứ theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
- Cha mẹ có thể tự thỏa thuận về việc thay đổi người nuôi dưỡng con. Sự thỏa thuận dựa trên tinh thần tự nguyện và phải đảm bảo được lợi ích của con tốt nhất.
- Nếu người đang trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục, và sức khỏe cho con.
- Và trường hợp con đủ 7 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con trước khi quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Ví dụ: Anh H và chị M đã ly hôn khi con gái vừa mới 6 tuổi là T. Khi ly hôn, Tòa án quyết định giao quyền nuôi con chị M và anh H có nghĩa vụ cấp dưỡng và thăm nom con hàng tháng. Sau hơn một năm, khi T đủ 7 tuổi bày tỏ mong muốn được sống cùng cha thay vì mẹ. Vì bé T cảm thấy không thoải mái với cuộc sống hiện tại cùng mẹ vì một số lý do. Chị M thường xuyên bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho bé, và bé T cảm thấy không được quan tâm đầy đủ. Ngoài ra, bé cảm thấy gần gũi với cha hơn trong những lần thăm nom, và anh H luôn dành thời gian chơi và học cùng bé.
Dựa trên mong muốn của con gái, anh H quyết định yêu cầu tòa án thay đổi quyền nuôi dưỡng. Anh H nộp đơn lên tòa án cùng với các bằng chứng chứng minh được rằng anh có thể đảm bảo điều kiện tốt hơn cho bé T bao gồm thu nhập ổn định, môi trường sống tốt, và có thời gian chăm sóc con đảm bảo được con phát triển tốt về mặt thể chất lẫn tinh thần. Anh H cũng trình bày với tòa án về nguyện vọng của bé T là bé muốn được sống cùng mình. Sau khi xem xét, Tòa án quyết định thay đổi anh H là người trực tiếp nuôi con vì nhận thấy anh có khả năng để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con hơn chị M.
4. Thủ tục, các bước khởi kiện giành lại quyền nuôi con
i. Khi muốn giành lại quyền tực tiếp nuôi con thì cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con có thể nộp đơn khởi kiện giành lại quyền nuôi con tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện (hoặc cấp Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài) nơi người trực tiếp nuôi con sinh sống.
Ví dụ: Sau thời gian ly hôn 2 năm, khi thu nhập và cuộc sống ổn định trở lại, chị U muốn giành lại quyền nuôi bé Y từ anh M. Vì trong quá trình chị thăm nom con, bé Y luôn bày tỏ ý muốn được chung sống với mẹ nhưng vì con thiếu 5 tháng nữa mới đủ 7 tuổi và bản thân chưa có thu nhập ổn định nên đành phải chờ đợi. Khi đã ổn định và cùng với sự mong muốn được sống cùng mình nên U đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh C nơi anh M sống, kèm theo đó là báo cáo thu nhập để chứng minh sự ổn định của mình và có thể đảm bảo được Y có một môi trường sống, phát triển toàn diện cho bé Y. Xét thấy nguyện vọng của Y và tình hình thực tế, Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh C quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi Y là chị U.
ii. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện về việc thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn;
- Bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn;
- Giấy khai sinh của con (bản sao công chứng, chứng thực)
- CMND/CCCD của người khởi kiện (bản sao công chứng, chứng thực)
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh có căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con.
iii. Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo để người khởi kiện nộp tạm ứng án phí. Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
iv. Sau khi nhận biên lai tạm ứng án phí, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết vụ án.
Như vậy, sau ly hôn vấn đề về quyền nuôi con là một trong những vấn đề quan trọng, mọi quyết định đều sẽ ảnh hưởng đến con. Do đó, khi muốn giành lại quyền trực tiếp nuôi con hãy cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng và hơn hết là luôn đặt lợi ích của con lên đầu để đảm bảo con được sống trong một môi trường tốt nhất.