Ly hôn là quá trình pháp lý mà vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân dưới sự công nhận của Tòa án. Để tiến hành thủ tục ly hôn, một trong những giấy tờ quan trọng cần có là Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.Tuy nhiên, nhiều trường hợp xảy ra khi Giấy chứng nhận này bị mất hoặc không còn bản gốc, dẫn đến nhiều thắc mắc như: “Không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc thì có ly hôn được không?”
Giấy chứng nhận kết hôn là gì, mất giấy chứng nhận thì ly hôn có được không?

Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là văn bản pháp lý chứng minh hai người đã đăng ký kết hôn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình ly hôn, đây là chứng cứ quan trọng làm cơ sở để Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn.
Để được Tòa án giải quyết ly hôn thì người có yêu cầu ly hôn phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- CMND/CCCD của vợ, chồng (bản sao);
- Sổ hộ khẩu;
- Giấy khai sinh của con (bản sao) nếu có con chung;
- Giấy tờ, tài liệu minh chứng tài sản chung/riêng của vợ chồng (bản sao); nếu yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung khi ly hôn;
Theo như quy định thì khi muốn ly hôn phải chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ trên bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính. Nhưng nếu bị mất giấy đăng ký kết hôn thì có thể thực hiện thủ tục xin cấp trích lục bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân tại nơi đăng ký kết hôn.
Ví dụ: Chị L và anh M kết hôn vào năm 2015, tại UBND phường A, quận B, thành phố C. Sau 7 năm chung sống do mâu thuẫn không thể hòa giải nên cả hai quyết định ly hôn. Khi chuẩn bị hồ sơ ly hôn, chị L nhận ra rằng Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc đã bị thất lạc trong quá trình chuyển nhà. Chị Lan đã tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vì vậy, chị quyết định đến UBND phường A, nơi hai vợ chồng đã đăng ký kết hôn trước đây để xin cấp trích lục bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau khi điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn xin cấp trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, cơ quan hộ tịch đã kiểm tra và xác nhận rằng thông tin kết hôn của chị Lan và anh Minh đã được lưu trữ trong hệ thống. Sau khoảng 1-3 ngày làm việc, chị Lan đã nhận được bản sao trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vì chị Lan đã cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết, bao gồm cả bản sao trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nên Tòa án đã tiếp nhận và tiến hành thủ tục giải quyết ly hôn bình thường. Sau khi xem xét các yếu tố liên quan đến tài sản và quyền nuôi con, Tòa án đã ra quyết định công nhận việc ly hôn của chị Lan và anh Minh.
Thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận kết hôn như thế nào?

i. Để được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cần phải thỏa mãn các yêu cầu theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP bao gồm:
- Việc đăng ký kết hôn đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính các giấy tờ hộ tịch bị mất thì có thể đăng ký lại.
- Người yêu cầu đăng ký lại kết hôn thì phải nộp đầy đủ các bản sao, giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc đăng ký lại.
- Và việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện khi người yêu cầu đăng ký lại còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Ví dụ: Anh H và chị M kết hôn vào năm 2010, tại UBND phường X, quận Y, thành phố Z. Sau nhiều năm chung sống, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng bị thất lạc do chuyển nhà nhiều lần. Gần đây, anh H cần dùng đến giấy chứng nhận này để thực hiện một số thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản chung. Vì vậy, anh quyết định đến UBND nơi đăng ký kết hôn để xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Anh H đã chuẩn bị đầy đù các hồ sơ liên quan và mang đến UBND phường X, nơi mà vợ, chồng anh H đã đăng ký kết hôn trước đây. Sau khi nộp hồ sơ, cơ quan hộ tịch tại UBND phường X kiểm tra và xác nhận thông tin đăng ký kết hôn của anh H và chị M. Anh H và chị M thỏa được các điều kiện bao gồm cả đăng ký kết hôn vào ngày 01 tháng 01 năm 2016 theo như quy định vì thông tin kết hôn của anh Hoàng và chị Mai đã được lưu trữ tại UBND phường X từ khi họ đăng ký kết hôn vào năm 2010. Do đó, anh H và chị M được cấp bản sao trích lục Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
ii. Khi đã thỏa được các điều kiện trên, thủ thục xin cấp lại giấy chứng nhận kết hôn theo quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm:
- Tờ khai theo mẫu;
- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Trường hợp không có bản sao giấy chứng nhận kết hôn thì nộp các hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.
Thứ hai, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp -hộ tịch sẽ kiểm tra, xác minh các hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
Thứ ba, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp nếu không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân sẽ được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.
Như vậy, không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc vẫn có thể ly hôn được, tuy nhiên sẽ cần thực hiện một số thủ tục bổ sung như xin cấp lại bản sao hoặc xác nhận từ cơ quan hộ tịch. Điều quan trọng là phải có bằng chứng xác nhận rằng hôn nhân đã được pháp luật công nhận. Khi đó, Tòa án vẫn sẽ tiến hành các bước giải quyết ly hôn theo đúng quy định. Ly hôn là quyết định hệ trọng, do đó cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết và tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để quá trình diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:
Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 08.9999.8608
Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474
Zalo: zalo.me/84899998608
Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn
Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com
Nguồn: Luật Bách Khoa