Hợp đồng bảo mật thông tin là gì?

Hiện nay, hợp đồng bảo mật thông tin là một hợp đồng cần thiết để triển khai và thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc nội dung công việc. Hợp đồng bảo mật thông tin thường được sử dụng trong kinh doanh, các lĩnh vực nghiên cứu, quân sự,… qua đó bảo vệ các thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức, giảm thiểu được các rủi ro không đáng có.

1. Hợp đồng bảo mật thông tin

– Bảo mật thông tin: Là bảo vệ thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức, duy trì tính bảo mật của thông tin, tính toàn vẹn, tính toàn diện và tính chính xác của thông tin đối với các dữ liệu có liên quan đến tổ chức, cá nhân. Bảo mật tốt thông tin sẽ giúp cho cá nhân, tổ chức tránh được các rủi ro.

– Hợp đồng bảo mật thông tin: Có thể hiểu đây là một loại hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ thân tín. Bên ký hợp đồng đồng ý thỏa thuận bảo mật thông tin với bên chủ thể về mọi thông tin nhạy cảm mà bên ký có được trong quá trình hợp tác, làm việc, các thông tin mà bên chủ thể cung cấp. Bên ký không cạnh tranh với thông tin được sử dụng, không phát tán các thông tin trong và sau khi kết thúc hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Các Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được quy định tại một số hợp đồng theo các văn bản quy phạm pháp luật như:

+ Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

a. Trường hợp nếu một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.

b. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

c. Nếu bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

+ Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Trường hợp người lao động làm các việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

+ Khoản 4 Điều 289 Luật Thương mại 2005: Phải giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả trước hay sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

Điều khoản bảo mật hay các điều khoản không tiết lộ thông tin, dữ liệu là điều khoản mà theo đó một bên khi có được thông tin nhất định của bên còn lại, thì sẽ phải bảo mật và có trách nhiệm trước những thông tin đó.

Ví dụ: Anh S sau khi phỏng vấn tại công ty Luật TNHH D, ngày 15/7/2024 anh S đến công ty làm việc. Vì tính bảo mật của công ty liên quan đến thông tin của khách hàng, bên thứ 3 nên công ty yêu cầu anh đọc và ký vào hợp đồng bảo mật thông tin để đảm bảo được việc không bị rò rỉ thông tin và là chế tài để xử phạt nếu anh S vi phạm.

2. Nội dung hợp đồng bảo mật thông tin

Nội dung của hợp đồng bảo mật thông tin thường có những nội dung cơ bản sau:

i. Thông tin của các bên;

ii. Điều khoản về việc bảo mật thông tin;

a. Xác định loại thông tin nào được coi là bảo mật, bao gồm tài liệu, dữ liệu, công nghệ, bí quyết kinh doanh, và các thông tin khác.

b. Các ngoại lệ đối với thông tin bảo mật, chẳng hạn như thông tin đã công khai hoặc thông

 tin mà bên nhận đã biết trước khi ký hợp đồng.

iii. Nghĩa vụ bảo mật thông tin

a. Cam kết của các bên liên quan về việc giữ bí mật thông tin, không tiết lộ cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cung cấp thông tin.

b. Các biện pháp bảo vệ thông tin như lưu trữ an toàn, hạn chế truy cập, và các biện pháp an ninh khác.

iv. Thời hạn bảo mật

a. Thời gian mà các bên phải tuân thủ cam kết bảo mật, có thể kéo dài trong suốt quá trình hợp tác và tiếp tục sau khi hợp đồng kết thúc.

b. Có thể quy định thời hạn cụ thể hoặc vô thời hạn tùy vào tính chất của thông tin.

v. Phạm vi sử dụng thông tin

a. Quy định rõ ràng về việc thông tin bảo mật chỉ được sử dụng cho mục đích cụ thể đã thỏa thuận giữa các bên.

b. Cấm sử dụng thông tin vào các mục đích cạnh tranh hoặc gây thiệt hại cho bên cung cấp thông tin.

vi.  Hậu quả vi phạm

a. Các hình thức xử lý vi phạm bao gồm bồi thường thiệt hại, xử phạt tài chính, và các biện pháp pháp lý khác.

b. Quy định về quyền khởi kiện của bên bị vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả.

vii. Điều khoản về giải quyết tranh chấp

a. Các phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, hoặc đưa ra tòa án hoặc trọng tài.

b. Quy định về luật áp dụng và cơ quan tài phán trong trường hợp có tranh chấp.

3. Các dạng hợp đồng bảo mật thông tin

i. Hợp đồng bảo mật thông tin đơn phương: Là loại hợp đồng trong đó chỉ có một bên (bên tiết lộ thông tin) cung cấp thông tin bảo mật và yêu cầu bên kia (bên nhận thông tin) không tiết lộ hoặc sử dụng thông tin đó ngoài mục đích đã thỏa thuận.

ii. Hợp đồng bảo mật thông tin song phương: Là loại hợp đồng trong đó cả hai bên đều chia sẻ thông tin bảo mật và đồng ý không tiết lộ thông tin của nhau.

iii. Hợp đồng bảo mật thông tin đa phương: Là loại hợp đồng trong đó nhiều bên cùng chia sẻ và cam

 kết bảo mật thông tin của nhau.

iv. Hợp đồng bảo mật thông tin trong tuyển dụng: Là hợp đồng giữa một công ty và nhân viên của mình, yêu cầu nhân viên không được tiết lộ hoặc sử dụng thông tin bảo mật của công ty trong và sau thời gian làm việc.

v. Hợp đồng bảo mật thông tin trong thương mại: Là hợp đồng được sử dụng trong các giao dịch thương mại, nơi một bên hoặc cả hai bên cần bảo vệ thông tin nhạy cảm liên quan đến kinh doanh.

vi. Hợp đồng bảo mật thông tin trong đầu tư: Là hợp đồng giữa một công ty và các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó công ty tiết lộ thông tin tài chính, kế hoạch kinh doanh, và các thông tin nhạy cảm khác để thu hút đầu tư.

4. Chế tài vi phạm

Các biện pháp chế tài trong vi phạm hợp đồng:

i. Bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại kinh tế mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi tiết lộ hoặc sử dụng sai mục đích thông tin bảo mật. Thiệt hại có thể bao gồm mất mát doanh thu, lợi nhuận, thiệt hại uy tín, và các chi phí phát sinh khác.

ii. Phạt vi phạm hợp đồng: Hợp đồng bảo mật thông tin có thể quy định mức phạt cụ thể cho mỗi hành vi vi phạm. Mức phạt này có thể là một khoản tiền cố định hoặc tỷ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng.

iii. Biện pháp ngăn chặn:  Bên bị vi phạm có thể yêu cầu tòa án ra lệnh ngăn chặn bên vi phạm tiếp tục sử dụng hoặc tiết lộ thông tin bảo mật. Biện pháp này nhằm ngăn chặn thiệt hại tiếp tục xảy ra và bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm.

iv. Yêu cầu hoàn trả hoặc hủy bỏ thông tin: Bên vi phạm phải hoàn trả hoặc hủy bỏ tất cả các tài liệu, dữ liệu và thông tin bảo mật mà họ đã nhận được. Quy định này giúp đảm bảo rằng thông tin không bị sử dụng hoặc tiết lộ thêm.

v. Hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng: Hợp đồng bảo mật thông tin có thể quy định quyền của bên bị vi phạm trong việc chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng khi có vi phạm nghiêm trọng. Quyền này giúp bên bị vi phạm bảo vệ mình khỏi các thiệt hại tiếp tục và tìm kiếm các đối tác khác tin cậy hơn.

vi. Yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và uy tín: Trong một số trường hợp, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường cho những tổn thất tinh thần và uy tín do việc tiết lộ thông tin bảo mật gây ra.

Tóm lại, hợp đồng bảo mật thông tin là một hợp đồng quan trọng để bảo vệ các thông tin nhạy cảm, quyền lợi của các bên và đảm bảo rằng thông tin bảo mật không bị sử dụng hoặc tiết lộ trái phép. Việc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với mục đích và phạm vi sử dụng sẽ giúp các bên bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Chế tài vi phạm hợp đồng bảo mật thông tin là các biện pháp pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ nội dung trong hợp đồng. Việc quy định rõ ràng các biện pháp chế tài trong hợp đồng sẽ giúp các bên giảm thiểu rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả khi có vi phạm xảy ra.

Nguồn: Luật Bách Khoa

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:

Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 08.9999.8608

Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474

Zalo: zalo.me/84899998608

Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn

Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com

Kiến thức liên quan