Di sản không xác định được người thừa kế giải quyết như thế nào theo quy định của pháp luật?

Di sản thừa kế là tài sản mà người đã qua đời để lại cho những người có quyền thừa hưởng. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp người thừa kế không rõ ràng hoặc không thể xác định, gây ra nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Khi không có người thừa kế hoặc không thể xác định được người thừa kế hợp pháp, di sản sẽ được giải quyết ra sao? Quy định pháp luật về vấn đề này đã được xây dựng để đảm bảo sự công bằng, tính hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Nguyên tắc chia thừa kế theo quy định của pháp luật

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Người chết không để lại di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Người thừa kế theo di chúc không còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc từ chối nhận di sản;
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật, di sản sẽ được chia theo hàng thừa kế. Căn cứ tại Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người người chết; cháu ruột của người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Ở hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 

Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng phần di sản khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, bị tước quyền hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản.

Trường hợp không xác định được người thừa kế

Căn cứ tại Điều 621 Bộ luật dân sự quy định về người không được quyền thừa kế như sau:

  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản;
  • Hành vi nghiêm trọng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm về tính mạng của những người thừa kế khác nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản làm người thừa kế đó có quyền được hưởng;
  • Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo, sửa đổi, phá huỷ di chúc, che đậy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản mà người đã mất để lại.
  • Những người nêu trên vẫn có thể được hưởng di sản nếu người để lại di sản biết rõ về hành vi của người đó nhưng vẫn chấp nhận cho người đó được hưởng di sản theo di chúc.

Ngoài ra, con riêng sẽ không được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế khi di chúc của người đã chết để lại không hợp pháp, không chứng minh được quan hệ giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.

Ví dụ: Ông A là một doanh nhân giàu có, ông đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai là anh B. Tuy nhiên, vì muốn sớm được thừa kế khối tài sản lớn này, anh B đã cố ý lên kế hoạch giết cha mình để nhanh chóng được hưởng thừa kế. Sau khi sự việc bị phát hiện, anh B bị bắt và kết án tù.

Theo quy định nêu trên, anh B không chỉ bị tước quyền thừa kế mà còn đối mặt với trách nhiệm hình sự vì hành vi giết cha để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù anh B là người thừa kế hợp pháp theo di chúc, nhưng với hành vi giết người, anh không được hưởng bất kỳ phần tài sản nào từ di sản của ông A.

Tài sản không có người nhận thừa kế được giải quyết như thế nào?

Căn cứ tại Điều 622 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản không có người nhận thừa kế như sau:

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản thì phần tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước.

Ví dụ: Ông B là một người sống độc thân, không có con cái, cha mẹ đã qua đời từ lâu và không có anh chị em ruột hay họ hàng thân thích gần gũi. Ông B không để lại di chúc trước khi qua đời. Sau khi ông B qua đời, không có bất kỳ ai thuộc diện thừa kế theo quy định của pháp luật xuất hiện để nhận tài sản của ông. Do không có người thừa kế theo pháp luật (không có vợ, con, cha mẹ, anh chị em hoặc họ hàng thân thích), toàn bộ tài sản của ông B sẽ không có ai nhận thừa kế. Lúc này, phần di sản của ông B để lại sẽ thuộc về Nhà nước.

Thời hiệu thừa kế

Căn cứ theo quy định tại Điều 623 về thời hiệu thừa kế như sau:

i. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với di sản là bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Sau khi hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản sẽ được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục và công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu trừ trường hợp có quy định khác.
  • Di sản sẽ thuộc về Nhà nước nếu như không có người chiếm hữu theo quy định nêu trên.

ii. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác sẽ là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

iii. Thời hiệu để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

          Như vậy, việc giải quyết di sản không xác định được người thừa kế theo quy định của pháp luật. Khi không xác định được người thừa kế, di sản sẽ được chuyển giao cho Nhà nước. Việc này bảo đảm tài sản không bị lãng phí và được sử dụng cho mục đích công ích hoặc xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ phải thực hiện quy trình pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan nếu có tranh chấp. Quy định này thể hiện tính công bằng và minh bạch trong việc quản lý tài sản thừa kế, giúp duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:

Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 08.9999.8608

Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474

Zalo: zalo.me/84899998608

Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn

Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com

Nguồn: Luật Bách Khoa

Kiến thức liên quan