Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cả luật pháp quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, các cuộc hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài hoặc giữa các cặp vợ chồng có quốc tịch khác nhau trở nên phổ biến hơn, kéo theo đó là những vấn đề phát sinh khi ly hôn. Việc giải quyết ly hôn không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước mà còn liên quan đến các điều ước quốc tế, hiệp định song phương giữa các quốc gia.

Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?

i. Theo quy định tại khoản 1 Điều 127, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn có yếu tố nước ngoài là:

  • Một trong hai bên là người nước ngoài.
  • Một trong hai bên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  • Cả hai bên đều là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

Ví dụ: Chị A là công dân Việt Nam kết hôn với anh B, người mang quốc tịch Pháp. Cả hai kết hôn tại Việt Nam và sau một thời gian chung sống, họ quyết định ly hôn do mâu thuẫn không thể hàn gắn. Trường hợp này là ly hôn có yếu tố nước ngoài vì anh B là người nước ngoài.

ii. Căn cứ khoản 2 và 3 Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về phương thức giải quyết đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật của các quốc gia khác trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp bên người là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn giải quyết theo pháp luật của nước thường trú chung của vợ chồng;
  • Nếu trường hợp cả hai bên không có nơi thường trú chung thì sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
  • Trường hợp tài sản là bất động sản ở nước ngoài thì khi ly hôn sẽ tuân theo pháp luật tại nước đó nơi mà có bất động sản đó.

Ví dụ: Anh P và chị L đều là công dân Việt Nam. Họ kết hôn tại Việt Nam, sau đó cùng nhau sang Đức định cư. Sau một thời gian sinh sống và làm việc tại Đức, anh P và chị L gặp phải những mâu thuẫn không thể hàn gắn và quyết định ly hôn. Do cả hai đang thường trú tại Đức và tuân thủ quy định pháp luật nước này, họ quyết định thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa án Đức. Trường hợp này cho thấy dù cả hai vợ chồng là công dân Việt Nam, nhưng do họ cư trú và sinh sống lâu dài tại nước ngoài, nên thủ tục ly hôn được giải quyết theo pháp luật nơi thường trú là nước Đức.

Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

i. Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố Tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về các tranh chấp, yêu cầu có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án, cơ quan giải quyết có thẩm quyền của nước ngoài. Như vậy, đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

ii. Tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết vụ việc dân sự: Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài đang cứ trú, làm ăn và sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

iii. Tại điểm b khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam liên quan đến vụ án dân sự có yêu tố nước ngoài: Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nếu như cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn và sinh sống lâu dài ở Việt Nam.

Ví dụ: Chị T là công dân Việt Nam kết hôn với anh K, quốc tịch Mỹ. Họ đăng ký kết hôn tại Việt Nam và sống cùng nhau tại Hà Nội. Sau một thời gian chung sống, chị T và anh K phát sinh nhiều mâu thuẫn và quyết định ly hôn. Vì chị T vẫn đang cư trú tại Việt Nam, còn anh K thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam và Mỹ do công việc, họ quyết định nộp đơn ly hôn tại Việt Nam. Theo quy định của pháp luật, trường hợp này là ly hôn có yếu tố nước ngoài vì anh K là người nước ngoài. Do đó, hồ sơ xin ly hôn sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nơi chị A đang cư trú.

Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ cần chuẩn bị khi ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm:

  • Đơn xin ly hôn;
  • Bản sao hộ chiếu/CMND/CCCD (bản sao công chứng, chứng thực);
  • Sổ hộ khẩu của vợ chồng;
  • Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu không có giấy chứng nhận kết hôn bản gốc có thể thay thế bằng bản sao do chính cơ quan nhà nước nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cấp;
  • Bản sao giấy khai sinh của con (bản sao công chứng, chứng thực nếu có);
  • Các minh chứng, tài liệu về quyền sở hữu tài sản của vợ, chồng (nếu có xảy ra chanh chấp về tài sản);
  • Xác nhận từ chính quyền địa phương trong trường hợp vợ, chồng kết hôn tại Việt Nam nhưng sau đó một trong hai bên xuất cảnh sang nước ngoài mà không xác định được địa chỉ của người đó.
  • Trường hợp vợ, chồng đăng ký kết hôn tại nước ngoài nhưng muốn ly hôn tại Việt Nam thì hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và thực hiện thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp trước khi nộp đơn ly hôn. Trường hợp nếu cả vợ, chồng không thực hiện thủ tục ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì bắt buộc đơn xin ly hôn phải nêu rõ lý do không thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn.

Ví dụ: Anh T là công dân Việt Nam và chị H là người mang quốc tịch Pháp. Họ quen biết và kết hôn tại Pháp, sau đó đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật của Pháp. Sau một thời gian chung sống, anh T và chị H quyết định chuyển về Việt Nam sinh sống, nhưng mâu thuẫn phát sinh khiến họ muốn ly hôn tại Việt Nam. Vì anh T và chị H đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài, nên trước khi Tòa án Việt Nam thụ lý vụ án ly hôn, họ phải thực hiện bước ghi chú kết hôn vào sổ hộ tịch tại Sở Tư pháp nơi anh T cư trú tại Việt Nam.

Bước 2: Nộp Đơn ly hôn

Nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ, chồng đang cư trú (đối với trường hợp ly hôn thuận tình), Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc (đối với trường hợp đơn phương ly hôn).

Bước 3: Tòa án thụ lý hồ sơ

Sau khi thụ lý hồ sơ, Tòa án sẽ xem xét và thẩm định đơn xin ly hôn. Nếu hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định.

Bước 4: Tòa án mở phiên tòa giải quyết và ra quyết định

Sau khi đương sự nộp tạm ứng án phí/lệ phí Tòa án sẽ mở phiên tòa giải quyết và ra quyết định về việc ly hôn.

          Như vậy, Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài là một quy trình phức tạp đòi hỏi người tham gia phải nắm rõ quy định của cả luật pháp Việt Nam và quốc tế. Do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc thu thập hồ sơ, giấy tờ hợp pháp cho đến việc tuân thủ các thủ tục tại tòa án để quá trình ly hôn có thể diễn ra tốt nhất.

Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:

Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 08.9999.8608

Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474

Zalo: zalo.me/84899998608

Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn

Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com

Nguồn: Luật Bách Khoa

Kiến thức liên quan