Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không có quy định cụ thể về mức thu nhập tối thiểu để cha hoặc mẹ được quyền nuôi con sau khi ly hôn. Quyền nuôi con được tòa án quyết định dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến quyền lợi và lợi ích tốt nhất cho con, thay vì chỉ dựa trên mức thu nhập của cha hoặc mẹ.
1. Các quy định pháp lý về quyền nuôi con
Hiện nay, sau khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Và việc xác định người nuôi con của vợ chồng sẽ được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó:
i. Vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định căn cứ dựa vào quyền lợi của con, và nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên, tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con.

Ví dụ: Anh K và chị H đang trong quá trình ly hôn. Họ có một con gái tên là M, 10 tuổi. Cả anh K và chị H đều muốn được quyền nuôi dưỡng M, nhưng họ không thể thỏa thuận được với nhau. Sau khi Tòa án lắng nghe nguyện vọng của M là được ở cùng với mẹ và xem xét các yếu tố khác như điều kiện tài chính, khả năng chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, tòa án đã quyết định giao quyền nuôi dưỡng M cho chị H. Tuy nhiên, anh K vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho M.
ii. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thường được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo đó, pháp luật không có quy định về thu nhập bao nhiêu là có quyền nuôi con, thu nhập là một trong các yếu tố xem xét để đảm bảo con được sống trong một môi trường đảm bảo nhất để có thể phát triển toàn diện.
2. Thu nhập tối thiểu để được nuôi con

Thu nhập tối thiểu để được quyền nuôi con không được quy định cụ thể theo một con số cụ thể. Thay vào đó, việc quyết định ai sẽ được quyền nuôi con sau khi ly hôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng con của mỗi bên. Tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau khi quyết định quyền nuôi con như:
i. Khả năng tài chính
- Thu nhập ổn định: Tòa án sẽ xem xét mức thu nhập của cha mẹ để đảm bảo rằng người được giao quyền nuôi con có khả năng tài chính để cung cấp các nhu cầu cơ bản cho con như ăn uống, giáo dục, y tế, và các nhu cầu sinh hoạt khác. Mặc dù không có con số cụ thể, tòa án sẽ xem xét xem mức thu nhập có đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định cho con hay không.
- Tài sản và điều kiện kinh tế khác: Ngoài thu nhập từ công việc, tòa án cũng xem xét các tài sản khác mà cha mẹ sở hữu như nhà cửa, đất đai, và các khoản tiết kiệm để đảm bảo con cái được sống trong một môi trường ổn định và đủ đầy.
ii. Điều kiện về tinh thần và thể chất
- Khả năng chăm sóc con: Người nuôi dưỡng cần có khả năng chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần cho con cái. Điều này bao gồm việc có thời gian để dành cho con, đảm bảo môi trường sống an toàn và lành mạnh, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển toàn diện.
- Tình trạng sức khỏe: Sức khỏe của cha mẹ, bao gồm cả thể chất và tinh thần, cũng là một yếu tố quan trọng. Người có sức khỏe tốt hơn, có thể chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn, sẽ có lợi thế khi tòa án quyết định quyền nuôi con.
iii. Môi trường sống và giáo dục
- Môi trường sống: Môi trường sống của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến quyết định của tòa án. Một môi trường sống lành mạnh, an toàn và ổn định sẽ được ưu tiên.
- Giáo dục: Người có khả năng đảm bảo cho con cái tiếp cận với giáo dục chất lượng cũng sẽ có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con. Tòa án sẽ cân nhắc xem người nuôi con có thể đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển trí tuệ của con hay không.
iv. Nguyện vọng của con (đối với con trên 7 tuổi)
v. Thỏa thuận của cha mẹ
Ví dụ: Chị L và anh P quyết định ly hôn sau 5 năm kết hôn và có một con gái tên B, 3 tuổi. Họ không thể thỏa thuận về quyền nuôi dưỡng con, vì vậy Tòa án sẽ quyết định ai sẽ là người nuôi dưỡng B. Xem xét các yếu tố và điều kiện về khả năng tài chính của chị L và anh P như sau:
– Khả năng tài chính của chị L: Chị L làm việc tại một công ty với mức lương hàng tháng là 18 triệu đồng. Chị L thuê một căn hộ chung cư giá 5 triệu đồng một tháng. Tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng của chị L khoảng 12 triệu đồng. Chị L đã sắp xếp, lên kế hoạch cho các chi phí học tập và y tế cho B. Chị có bảo hiểm y tế cho con và đã dự trù chi phí khám chữa bệnh định kỳ.
– Về khả năng tài chính của anh P có khó khăn hơn so với chị L: Anh P hiện đang làm việc tại một cửa hàng với mức lương hàng tháng là 11 triệu đồng. Anh P sở hữu một căn nhà nhỏ, nhưng còn khoản nợ ngân hàng khoảng 250 triệu đồng. Anh phải trả nợ hàng tháng 3 triệu đồng. Tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng của anh P là khoảng 9 triệu đồng. Anh gặp khó khăn trong việc duy trì chi tiêu ổn định và có ít khoản dư. Anh P chưa có kế hoạch rõ ràng cho các chi phí giáo dục và y tế cho B.
Có thể thấy, chị L có thu nhập ổn định và khoản tiết kiệm, có khả năng tài chính tốt để nuôi dưỡng B và đảm bảo các nhu cầu cần thiết cho con hơn so với anh P. Tòa án quyết định giao quyền nuôi con cho chị L, và anh P có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Cách tính toán và chứng minh khả năng tài chính
i. Tính toán khả năng tài chính
- Thu nhập hàng tháng: Tính tổng thu nhập từ tiền lương hàng tháng (lương cơ bản, thưởng, phụ cấp…), kinh doanh, đầu tư (lãi suất ngân hàng, cổ tức…), từ thu nhập khác như trợ cấp xã hội, gia đình.
- Chi tiêu hàng tháng: Tính tổng các chi phí như chi phí sinh hoạt (tiền nhà, tiền điện nước, thực phẩm…), chi phí nợ vay, chi phí nuôi con (học phí, bảo hiểm y tế…) và các chi phí phát sinh.
Sau khi liệt kê tất cả các khoản thu nhập và chi phí, hãy tính toán số tiền còn lại sau khi trừ đi các chi phí từ tổng thu nhập. Đây là số tiền còn lại có thể sử dụng cho các mục đích khác và thể hiện khả năng tài chính.
Ví dụ: Tổng thu nhập hàng tháng là 17 triệu đồng, tổng chi phí hàng tháng là 10 triệu đồng. Số dư hàng tháng sẽ là 7 triệu đồng. Số dư này có thể là bằng chứng để chứng minh rằng có khả năng tài chính để chăm sóc và nuôi dưỡng con.
ii. Chứng minh khả năng tài chính
- Chứng minh thu nhập: Có thể chứng minh thu nhập từ hợp đồng lao động, bảng lương (Sao kê bảng lương trong ít nhất 6 tháng gần nhất từ công ty, hoặc sao kê tài khoản ngân hàng nếu lương được chuyển khoản), Tài liệu về thu nhập từ kinh doanh (báo cáo tài chính, hóa đơn, hợp đồng kinh doanh nếu có)
- Chứng minh tài sản: Giấy tờ sở hữu tài sản (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, xe hơi, hoặc các tài sản giá trị khác), Sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản ngân hàng (chứng minh có các khoản tiền dự trữ hoặc tài sản có giá trị) ….
4. Các câu hỏi thường gặp
Nếu thu nhập không cao, liệu có hoàn toàn mất cơ hội được nuôi con?
Không, việc thu nhập không cao không có nghĩa là hoàn toàn mất cơ hội được nuôi con. Quyết định về quyền nuôi con không chỉ dựa trên yếu tố tài chính mà còn xem xét nhiều yếu tố khác như tình cảm, điều kiện chăm sóc, sự ổn định về tài chính dù thu nhập không cao, ý kiến của con (đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên) và có kế hoạch nuôi con cụ thể.
Nếu tôi là người được quyền nuôi con, nhưng sau đó thu nhập của tôi giảm sút, liệu quyền nuôi con có thể bị thay đổi?
Việc thu nhập giảm sút sẽ không đương nhiên dẫn đến việc thay đổi quyền nuôi con. Quyền nuôi con đã được quyết định dựa trên nhiều yếu tố, tài chính chỉ là một yếu tố để xem xét. Nếu tình trạng tài chính giảm sút đến mức không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con (như không có đủ tiền cho việc ăn uống, học hành, hoặc chăm sóc sức khỏe), tòa án có thể xem xét lại quyền nuôi con nếu bên kia đưa ra yêu cầu. Trong trường hợp trên, có thể yêu cầu người không trực tiếp nuôi con tang phần trợ cấp hàng tháng khi có khó khăn trong việc gặp khó khăn trong thu nhập.
Tóm lại, mức thu nhập chỉ là một trong nhiều yếu tố được xem xét khi quyết định quyền nuôi con. Quyền nuôi con không chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính mà còn phụ thuộc vào khả năng chăm sóc, giáo dục, và đảm bảo một môi trường sống tốt nhất cho con cái. Tòa án sẽ luôn cân nhắc lợi ích tốt nhất cho con khi ra quyết định cuối cùng.