Hiện nay, vay mượn tiền là một giao dịch dân sự rất phổ biến. Đó là một giao dịch dựa trên tinh thần tự nguyện, tín nhiệm, tuân thủ pháp luật và thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi đã vay mượn được tiền, giải quyết các vấn đề cá nhân của mình thì không có ý định trả lại số tiền đã vay, thậm chí có trường hợp cố tình chiếm đoạt số tiền đã vay mượn.

1. Hợp đồng vay tài sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
2. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Do đó, trả nợ là nghĩa vụ của bên vay, nếu đến hạn mà bên vay chưa trả lại bên cho vay sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Bên vay mặc dù có thiện chí trả nợ nhưng không đủ khả năng chi trả và không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội phạm – mà chỉ vi phạm hợp đồng vay tiền;
Ví dụ: Chị H có con nhỏ bệnh nặng nên đã mượn hàng xóm của mình là chị T 5.000.000 đồng để đưa con đi cấp cứu. Trên hợp đồng chị H và T đã ký và thời hạn trả sẽ là 2 tuần sau ngày vay. Khi đến ngày trả nợ, mặc dù chị H rất muốn trả lại khoản vay mình đã vay từ chị T, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng với con ốm nặng nên chị H không thể trả được khoản nợ.
Trường hợp 2: Bên vay có thể cấu thành tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi có một trong các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, đến thời hạn trả tiền, mặc dù hoàn toàn có khả năng trả tiền nhưng cố tình không trả (thường được biểu hiện bằng việc thách thức hoặc lẩn trốn không muốn trả).
Thứ hai, dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản vay (sử dụng lời nói hoặc tin nhắn bịa đặt những điều sai sự thật để kéo thời gian – mục đích không muốn trả).
Thứ ba, sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản vay (dùng tiền vay để đánh bạc, sử dụng ma túy… và không thể trả lại được).
Đối với các trường hợp này, căn cứ tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Người thực hiện một trong các hành vi trên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:
+ Giá trị tài sản từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Giá trị tài sản dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác như sau:
+ Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm…
+ Phạt tù từ 05 – 12 năm khi: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Phạt tù từ 12 – 20 năm khi: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra còn có hình phạt bổ sung cho tội này là phạt tiền từ 10.000.000 – 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể
bị phạt tù đến 20 năm, phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
Ví dụ: Anh K vì tin tưởng anh Q là anh em thân thiết lâu năm của mình nên đã cho anh Q vay 2 tỷ để đáo hạn ngân hàng, sau khi đáo hạn ngân hàng anh Q đã trả đủ tiền lãi và tiền gốc là 2 tỷ. Một tháng sau đó anh Q tiếp tục mượn K 4 tỷ để kinh doanh, hai bên ký hợp đồng vay mượn và thời hạn vay là 6 tháng. Khi nhận được số tiền, anh Q bỏ trốn khỏi địa phương, cắt đứt mọi liên lạc với K.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bên cho vay
Bên cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, cho vay nặng lãi để thu lợi bất chính có thể quy vào tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Thứ hai, hành hung đánh đập người vay tiền, hành vi đánh đập người vay tiền có thể bị xử lý với tội danh cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Thứ ba, trường hợp xông vào nhà người vay tiền để đòi nợ có thể bị coi là tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Thứ tư, tạt sơn vào nhà người vay tiền, hành vi này có thể có thể bị xử lý hình sự với tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu hành vi tạt sơn chưa đến mức xử lý hình sự, người có hành vi tạt sơn có thể bị phạt hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo.
Thứ năm, đăng thông tin, hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội để làm nhục, xúc phạm. Pháp luật dân sự có quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Hành vi đưa ảnh, thông tin của người vay tiền lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của người đó sẽ bị xử lý hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Thứ sáu, bắt giữ hoặc giam người vay tiền để ép buộc trả nợ có thể bị coi là tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Nguồn: Luật Bách Khoa
Mọi thắc mắc cần giải đáp hoặc yêu cầu dịch vụ, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua các kênh sau:
Địa chỉ: 236 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 08.9999.8608
Facebook: fb://profile.php?id=61559523707474
Zalo: zalo.me/84899998608
Tiktok: www.tiktok.com/@luatbachkhoa.vn
Email: Luatbachkhoa8608@gmail.com